TIN TỨC KHÁC TIN TỨC KHÁC

Cơ quan Công an khuyến cáo người dân các biện pháp phòng hỏa hoạn do chập cháy thiết bị điện
Publish date 08/12/2023 | 09:08  | View Count: 2043

   Thời gian gần đây liên tiếp xảy ra các vụ hỏa hoạn xuất phát từ nguyên nhân chập, cháy các thiết bị điện trong nhà, Công an quận Đống Đa, Hà Nội đã chủ động tuyên truyền, hướng dẫn người dân các biện pháp phòng ngừa cháy nổ.

   Nguy cơ từ chập cháy thiết bị điện

   Do sự phát triển mạnh mẽ của xã hội nên nhu cầu sử dụng các thiết bị điện, các thiết bị có công suất lớn, mức độ tiêu thụ điện cao như: Điều hòa, nóng lạnh, máy sưởi, đèn sưởi... tăng đột biến. Cùng với đó, hệ thống đường dây tải điện tại nhiều khu vực, nhất là những khu vực đông dân cư, các chung cư, khu tập thể cũ, chợ... đã xuống cấp.

Hiện trường vụ cháy tại phố Yên Lãng

Hiện trường vụ cháy tại phố Yên Lãng

   Nhiều hộ gia đình trang bị thêm các thiết bị làm mát tuy nhiên không tính toán đến sự an toàn của lưới điện dẫn đến nguy cơ cao xảy ra quá tải, chạm chập. Gần đây nhất là vụ cháy xảy ra tại số nhà 146 phố Yên Lãng và vụ cháy bình nóng lạnh tại P25+27A10 tập thể Văn Chương. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến các vụ cháy nổ là do sự cố điện chiếm tỉ lệ cao (khoảng trên 80% tổng số vụ cháy), được coi là nguyên nhân chủ yếu, hàng đầu dẫn đến các vụ cháy, nổ.

Cháy bình nóng lạnh tại tập thể Văn Chương, quận Đống Đa

Cháy bình nóng lạnh tại tập thể Văn Chương, quận Đống Đa

Hiện trường nơi xảy ra vụ việc

Hiện trường nơi xảy ra vụ việc

   Nhằm đảm bảo an toàn PCCC và hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do cháy, nổ gây ra, Công an quận Đống Đa khuyến cáo chủ cơ sở, doanh nghiệp và người dân cần làm tốt các biện pháp đảm bảo an toàn PCCC.

   Cụ thể, khi lắp đặt phải chọn tiết diện dây dẫn phù hợp với dòng điện của phụ tải. Khi sử dụng không được dùng nhiều dụng cụ tiêu thụ điện có công suất lớn vượt quá khả năng chịu tải của dây dẫn. Thường xuyên kiểm tra nhiệt độ của thiết bị tiêu thụ điện, kiểm tra vỏ bọc, cách điện dây dẫn, nếu có hiện tượng quá tải thì phải khắc phục ngay. Các dây dẫn điện trần ngoài nhà phải được mắc cách xa nhau 0,25m.

   Thường xuyên, định kỳ kiểm tra, bảo dưỡng, vệ sinh đối với các thiết bị điện có nguy cơ cháy nổ cao như: điều hòa, bình nóng lạnh, máy giặt, lò sưởi, máy sấy... Không để các đồ dùng, vật dụng, chất dễ cháy tại các thiết bị này.

   Không dùng bóng đèn điện để sấy quần áo hoặc ủ chăn sưởi ấm, các dụng cụ này phải để cách xa vật cháy tối thiểu 0,5 m; không sạc điện thoại qua đêm hoặc vừa sạc vừa sử dụng, khi sạc phải để cách xa các vật liệu dễ cháy.

   Các dây nối vào phích cắm, đui dèn, máy móc phải chắc, gọn, điện nối vào mạch ở 2 đầu dây pha và trung tính không được chồng lên nhau. Vặn chặt các mối nối dây dẫn. Dùng băng dính, vật cách điện bọc mối nối dây dẫn. Không kéo căng dây điện và treo vật nặng lên dây dẫn. Không để gỉ cầu dao, dây dẫn, cầu chì điện.

   Không sử dụng bàn là, bếp điện khi không có người trông nom. Đối với xe máy, xe đạp điện cần sạc đúng quy cách theo hướng dẫn của nhà sản xuất, nên sạc pin khi ắc quy gần hết điện, hạn chế sạc qua đêm. Định kỳ 6 tháng, người dùng xe đạp điện, xe máy điện cần bảo dưỡng một lần, đặc biệt là phải kiểm tra bình ắc quy, nếu bình có dấu hiệu hư hỏng hoặc có mùi khét không nên tiếp tục sử dụng, cần đem đi bảo dưỡng tại các cửa hàng bán những sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ để được kiểm tra đảm bảo an toàn cháy, nổ.

   Phải sử dụng cầu dao điện, áptômat, cầu chì, rơ le... làm thiết bị đóng cắt và bảo vệ. Khi phát hiện có cháy, nổ xảy ra hãy bình tĩnh và hô hoán báo động cho mọi người biết để mau chóng di chuyển ra ngoài qua lối thoát nạn an toàn đồng thời báo ngay cho lực lượng Cảnh sát PCCC theo số điện thoại 114.

   Kỹ năng xử lý đám cháy thiết bị điện trong hộ gia đình

   Theo Chỉ huy Đội Cảnh sát PCCC và CNCH Công an quận Đống Đa, khi phát hiện ra đám cháy phát sinh từ các thiết bị điện, phải lập tức ngắt cầu dao của khu vực đang xảy ra cháy hoặc ngắt điện của toàn bộ ngôi nhà. Nhanh chóng sử dụng bình chữa cháy (bình chữa cháy khí, bột …) để dập lửa, hoặc sử dụng chăn, quần áo, rèm cửa…nhúng nước che phủ bao trùm toàn bộ diện tích thiết bị điện đang cháy (tuyệt đối không được sử dụng nước để dập cháy khi chưa cắt điện).

   Lưu ý, trường hợp đám cháy đã phát triển lớn, cần hô hoán, báo động cho mọi người trong nhà biết để nhanh chóng thoát nạn ra khu vực an toàn. Khi lối thoát ra ngoài đã bị khói che phủ, nhiệt độ cao thì hãy dùng khăn mềm thấm nước hoặc mặt nạ phòng độc để bảo vệ đường hô hấp, cơ thể; hạ thấp người khi di chuyển; tuyệt đối không trốn, nấp trong phòng, nhà vệ sinh…

   Trường hợp nhà có nhiều tầng mà đám cháy đã phát triển mạnh ở tầng 1, người trong nhà không thể thoát nạn qua lối cửa chính thì nhanh chóng sơ tán lên sân thượng hoặc các tầng trên, thoát nạn qua ban công, tum sang nhà bên cạnh và thoát ra nơi an toàn. Cần chú ý các biện pháp an toàn trong quá trình thoát nạn.

(Theo https://www.anninhthudo.vn/)