LỊCH SỬ - VĂN HÓA
Trong 12 ngày đêm, với sức công phá của máy bay B-52 và bom đạn, kẻ thù đã hủy diệt nhiều khu phố, làng mạc, phá sập gần 5,5 ngàn ngôi nhà, giết hại 2.368 dân thường vô tội; có những con phố như: Khâm Thiên, Phương Mai bị hủy diệt hoàn toàn…
Tội ác dã man, tàn bạo của kẻ thù đã không đè bẹp được quyết tâm mà còn tạo động lực, tiếp thêm ý chí để quân - dân thủ đô cùng miền Bắc xây dựng “lưới lửa” phòng không nhân dân với 3 thứ quân, sử dụng các loại vũ khí từ thô sơ đến hiện đại, phát động toàn quân, toàn dân đánh máy bay địch, bắt giặc lái, phục vụ chiến đấu; viết nên bản hùng ca bất diệt của 12 ngày đêm “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” hùng tráng phi thường…
Lặng người khi nhớ lại
Thiếu tướng Nguyễn Văn Ninh, nguyên Cục phó Cục Tác chiến, Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam (Bộ Tổng tham mưu) năm nay đã bước sang tuổi 95. Vị tướng già vẫn nhớ như in từng sự kiện quan trọng trong Chiến dịch 12 ngày đêm lịch sử trên bầu trời thủ đô. Là một trong 2 người đầu tiên nhận tin B-52 tấn công miền Bắc tại hầm chỉ huy tác chiến T1, thiếu tướng đã dùng 2 từ “lặng người” khi nhớ lại cảm giác của mình trong đêm 18-12-1972.
Chủ tịch UBND P.Phương Mai (Q.Đống Đa, TP.Hà Nội) BÙI THỊ HẰNG NGA cho biết, Phương Mai là một trong 2 địa phương bị đánh phá ác liệt nhất trong trận Điện Biên Phủ trên không của 50 năm về trước. Để tri ân, tưởng nhớ những người đã khuất, tiếp tục giáo dục truyền thống yêu nước và góp vào bản hùng ca bất diệt, dịp này, Đảng ủy, UBND phường tổ chức nhiều hoạt động thiết thực như: giao lưu với nhân chứng lịch sử; mời nhân chứng lịch sử kể chuyện đánh B-52… |
“Khi nhận được quyết định kéo còi báo động cho TP.Hà Nội sớm hơn quy định, tôi khẩn trương chạy lại ấn còi báo động, lập tức còi trên nóc nhà Quốc hội (Hội trường Ba Đình) rú vang. Tức thì, 16 còi báo động trên toàn thành phố cũng tự động hưởng ứng. Trong thâm tâm tôi chỉ nhắc bảo: Đồng bào ơi, xuống hầm. Đồng bào ơi, xuống hầm đi. Khi tôi kéo còi xong, một loạt điện thoại trong hầm sở chỉ huy kêu lên, nhiều người hỏi đó là thực hay chỉ tập dượt. Tôi trả lời: “Mời đồng chí xuống hầm” và bỏ điện thoại xuống không kịp giải thích” - thiếu tướng Nguyễn Văn Ninh kể lại.
Chia sẻ về những ký ức của 12 ngày đêm Điện Biên Phủ trên không, PGS-TS Nguyễn Nhật Trinh, Ủy viên Hội đồng Viện Dệt may da giày và thời trang, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Trường đại học Bách khoa Hà Nội chia sẻ, trong cuộc đời ông, B-52 rải thảm thủ đô Hà Nội đêm 26-12-1972 vẫn là sự ám ảnh với ông đến bây giờ. Khi ấy mới 11 tuổi nhưng ông không bao giờ quên được âm thanh nặng trịch kéo theo chết chóc mỗi khi B-52 tiến vào.
PGS-TS Nguyễn Nhật Trinh đau xót tỏ bày: “Hồi đó nhà tôi ở ngay phố Khâm Thiên, là nơi đặt tượng đài tưởng niệm các nạn nhân Khâm Thiên. Thời điểm ấy, bom nổ ầm ầm cả đoạn phố, tôi và gia đình chỉ kịp thời xuống căn hầm trú bom. Lúc ngớt bom, cả đoạn phố bị san phẳng, nhìn sang được tận phố Đê La Thành. Hình ảnh người phụ nữ lặng người cầm viên gạch vỡ đưa tiễn 26 người con, cháu, họ hàng bị chết trong trận rải thảm bom B-52 ngày đó vẫn là nỗi ám ảnh với tôi và người dân Khâm Thiên”.
Viết nên bản hùng ca bất diệt
Phó trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Đào Xuân Dũng cho rằng, kẻ thù cứ nghĩ mang bom đạn, sức mạnh của vũ khí tối tân đè bẹp được chúng ta. Nhưng chúng đã nhầm, chính “lưới lửa” phòng không của quân - dân Hà Nội và các đơn vị quân đội đã đập tan ý định “dạo chơi trong đêm phương Đông” của chúng.
Trung tướng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Phạm Tuân kể lại, khi ông hỏi một giặc lái Mỹ bị bắt giam rằng, bây giờ ở Hỏa Lò thì nghĩ gì, phi công Mỹ trả lời: “Đó là cái khó hiểu. Tôi không thể lý giải được tại sao mình lại bị bắn rơi”.
Trung tướng Phạm Tuân cho rằng, từ ý chí, trí tuệ của người Việt Nam đã làm nên sức mạnh tổng thể, vượt qua khó khăn, nảy sinh ra những sáng tạo để đi đến chiến thắng và có được sự khâm phục từ chính kẻ thù…
Đại tá, PGS-TS Nguyễn Văn Sáu, trong bài viết Sức mạnh chiến tranh nhân dân trong “Chiến thắng Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” năm 1972 đã trích lại không khí chiến đấu của nhân dân Hà Nội được một nhà báo Mỹ mô tả: “Trong bom đạn mịt mờ, tôi đã thấy những phụ nữ trên những ụ súng lia những khẩu súng trường theo các máy bay phản lực của Mỹ đang bay trên trời. Họ tin rằng, họ có thể bắn rơi máy bay phản lực bằng một khẩu súng trường. Đây là ý chí có tính chất truyền thống trong những người dân mà tôi gặp”.
“Sức mạnh của chiến tranh nhân dân đã tạo nên trận “lưới lửa” cùng màn “thiên la địa võng” chính là nỗi khiếp đảm của quân thù. Bằng niềm tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tin vào sức mạnh của sự đoàn kết quân - dân đồng lòng một ý chí… đã góp sức viết nên bản hùng ca bất diệt cách đây nửa thế kỷ để Hà Nội hôm nay vững bước tiến lên” - đại tá Nguyễn Văn Sáu nhấn mạnh.
Trong bài viết gửi đến Hội thảo quốc gia 50 năm Chiến thắng Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho rằng, “Chiến thắng Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” là thành quả của sự kết hợp giữa sức mạnh dân tộc và thời đại. Vì vậy, nó đã góp phần bồi đắp, làm rạng rỡ thêm niềm tự hào của “Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến”, “Thủ đô anh hùng”, “Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người”, “Thành phố vì hòa bình”, “Thành phố sáng tạo”, là điểm tựa tinh thần to lớn, thôi thúc, cổ vũ quân - dân thủ đô vững bước trên con đường xây dựng ngày càng giàu mạnh, văn minh.
“Chiến thắng Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” là bản anh hùng ca bất hủ, một trong những chiến công oanh liệt trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta ở thế kỷ XX. Đây là một trong những tiền đề để Đảng bộ, chính quyền, quân và dân thủ đô tiếp tục kế thừa, phát huy xây dựng thủ đô giàu đẹp, văn minh, cùng cả nước thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, xứng đáng với niềm tin yêu, mong đợi của nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã viết.
Nguồn: Báo Đồng Nai